Nghiệp vụ Lễ tân

Chương trình đào tạo cho người học đón khách, làm thủ tục cho khách nhận buồng (check – in) và chăm sóc khách trong thời gian lưu trú tại khách sạn.

Nghiệp vụ Lễ tân

TÊN NGHỀ: NGHIỆP VỤ LỄ TÂN
TRÌNH ĐỘ ĐÀO TẠO: SƠ CẤP
NGÀNH ĐÀO TẠO: DU LỊCH
LOẠI HÌNH ĐÀO TẠO: TẬP TRUNG
1.Mục tiêu đào tạo:
Mục tiêu chung: Đào tạo đội ngũ nhân viên Bộ phận Lễ tân là bộ mặt của khách sạn và cung cấp các dịch vụ cho khách bao gồm chào khách, đón khách, làm thủ tục cho khách nhận buồng (check – in) và chăm sóc đáp ứng các nhu cầu của khách trong thời gian lưu trú tại khách sạn. Bộ phận Lễ tân cung cấp nhiều dịch vụ bao gồm đặt buồng, dịch vụ đón tiếp khách, trao đổi thông tin, giao dịch tài chính, hướng dẫn hỗ trợ khách, dịch vụ hành lý và đầu mối liên lạc giữa khách với các bộ phận khác, đặc biệt là bộ phận Buồng, Nhà hàng và An ninh.
Về kiến thức:

  • Hiểu biết tổng quát về nghề Du lịch và tổ chức hoạt động của cơ sở dịch vụ lưu trú, lữ hành.
  • Hiểu biết về vệ sinh các nhân, các nguyên tắc vệ sinh
  • Biết các thuật ngữ nghiệp vụ

Về kỹ năng: sau khi hoàn thành chương trình học viên sẽ thực hiện thành thạo các kỹ năng như sau.

  • Chuẩn bị làm việc
  • Sử dụng bộ đàm và điện thoại
  • Kết thúc ca làm việc.
  • Đối với trình độ sơ cấp bậc 3 trở lên còn có thêm kỹ năng:  hoạch định, tổ chức thực hiện, giám sát, đánh giá.

Về thái độ:

  • Yêu nghề, tự hào về nghề nghiệp
  • Chăm sóc khách hàng
  • Chấp hành tốt nội quy, quy định tại nơi làm việc

Vị trí việc làm sau khi tốt nghiệp:
Các công việc điển hình bao gồm: Quản lý bộ phận Lễ tân, Giám sát Lễ tân, Kiểm toán đêm, Nhân viên đón tiếp, Nhân viên Lễ tân, nhân viên quan hệ khách hàng, Nhân viên tổng đài điện thoại, Nhân viên hỗ trợ khách hàng và Nhân viên hành lý. 
Quản lý bộ phận Lễ tân hay Giám sát Lễ tân là người giám sát tất cả các hoạt động bộ phận Lễ tân của khách sạn. Những người này thực hiện việc quản lý nhân viên, sắp xếp lịch làm việc và triển khai các chính sách hay quy trình do Ban giám đốc khách sạn, quản lý khách sạn quy định. 
Nhân viên nhận đặt buồng liên hệ với khách qua điện thoại và Internet, lên lịch cho khách đến ở khách sạn và ghi chép lại tất cả các nhu cầu đặc biệt của khách. 
Nhân viên đón tiếp, Nhân viên lễ tân hay Nhân viên quan hệ khách hàng làm các thủ tục cho khách nhận buồng, phân buồng và trả lời bất cứ câu hỏi cơ bản hay yêu cầu nào của khách trong trong suốt thời gian khách lưu trú tại khách sạn. Khi kết thúc thời gian lưu trú của khách, Nhân viên lễ tân thực hiện các thủ tục trả buồng. Ngoài ra, nhân viên lễ tân còn báo cáo lại tất cả các quan ngại của khách hàng cho người quản lý. 
Nhân viên hỗ trợ đón khách hay nhân viên hành lý chào đón khách khi khách đã làm xong thủ tục nhận buồng trong khách sạn. Nhân viên này mang hành lý cho khách đồng thời chỉ dẫn khách đi đến buồng của họ. Để đảm bảo mọi thứ trong buồng được sắp xếp và hoạt động tốt, Nhân viên hành lý kiểm tra các thiết bị trong buồng như đèn chiếu sáng và quạt, thiết bị thông gió. Nhân viên hành lý cũng có thể phải hướng dẫn khách cách sử dụng các thiết bị trong khách sạn như điều khiển ti vi từ xa hay điện thoại. 
Nhân viên quầy Thông tin và Hỗ trợ hành lý/ nhân viên quan hệ khách hàng của khách sạn là nhân viên thuộc bộ phận Lễ tân. Nhân viên này điều phối các hoạt động vui chơi giải trí, du lịch và các hoạt động khác cho khách. Ngoài ra, họ còn có thể đặt chỗ trong nhà hàng, đặt chỗ các phương tiện vận chuyển và thậm chí còn có thể sắp xếp dịch vụ mua sắm cá nhân cho khách. 
2.Thời gian đào tạo:  290 giờ/Chứng chỉ
3.Đối tượng tuyển sinh: người lao động có đủ sức khỏe, trình độ văn hóa phổ thông cơ sở.
4.Quy trình đào tạo, điều kiện tốt nghiệp: Thực hiện theo Quy chế thi, kiểm tra và công nhận tốt nghiệp trong dạy nghề chính quy ban hành theo quyết định số 14/2007/QĐ-BLĐTBXH ngày 25/05/2007 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
5.Giấy chứng nhận tốt nghiệp:

  • Chứng chỉ nghiệp vụ Lễ tân bậc 1/5
  • Chứng chỉ nghiệp vụ Lễ tân bậc 2/5
  • Chứng chỉ Giám sát bộ phận Lễ tân bậc 3/5
  • Chứng chỉ Quản lý bộ phận Lễ tân bậc 4/5